- Phân định rõ trách nhiệm giám sát
Khoản 1, Điều 1, Thông tư sửa đổi phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của giám sát trưởng, giám sát viên trong công tác quản lý chất lượng theo quy định tại Điều 26, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.
Khoản 3, Điều 1 làm rõ hơn về thời gian, nội dung thực hiện của cơ quan chuyên môn về xây dựng công tác kiểm tra nghiệm thu để phù hợp với các yêu cầu thực tế.
Khoản 4, Điều 1 bổ sung quy định về quản lý công tác thí nghiệm hiện trường trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Khoản 5, Điều 1 bổ sung quy định về quan trắc công trình, bộ phận công trình trong quá trình thi công xây dựng.
Cục Giám định Nhà nước về chất lượng CTXD cho biết, trong pháp luật hiện hành chưa có các quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của tư vấn giám sát trưởng và các giám sát viên dẫn tới việc phân định trách nhiệm giữa giám sát trưởng và các giám sát viên trong thực tế không rõ ràng, đặc biệt trong việc xử lý các vi phạm, khó phân định trách nhiệm của từng cá nhân giám sát. Vì vậy, Thông tư 04 bổ sung các quy định về trách nhiệm và quyền hạn của tư vấn giám sát trưởng và các giám sát viên để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng.
Về quy định lập báo cáo của tư vấn giám sát thi công xây dựng, trong thực tế có không ít chủ đầu tư lựa chọn các đơn vị tư vấn giám sát khác nhau để thực hiện giám sát các hạng mục của công trình, gói thầu khác nhau hoặc có sự thay thế, điều chỉnh tổ chức tư vấn giám sát, cá nhân thực hiện giám sát. Mặt khác, việc quy định báo cáo chỉ được thực hiện 01 lần khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng dẫn tới tình trạng đơn vị tư vấn giám sát thường báo cáo sơ sài, không nắm được các thay đổi trong quá trình thi công, không đánh giá được chất lượng công trình xuyên suốt quá trình thi công xây dựng.
Nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của tổ chức cá nhân thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình, giúp chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, nắm bắt thông tin được kịp thời trong quá trình thi công xây dựng, Thông tư số 04 đã bổ sung quy định tổ chức cá nhân thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình phải lập báo cáo định kỳ hoặc giai đoạn thi công xây dựng. Hình thức lập báo cáo định kỳ và/hoặc báo cáo giai đoạn và thời điểm lập báo cáo do chủ đầu tư và các bên thỏa thuận.
- Hoàn thành tới đâu ký biên bản nghiệm thu tới đó
Về biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình, với các quy định trước đây, việc tập trung toàn bộ các nhà thầu thi công hạng mục vào thời điểm hoàn thành công trình để ký biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình là rất khó khăn. Thực tế cho thấy, nhiều hạng mục đã hoàn thành được một thời gian dài trước khi công trình được hoàn thành (như các hạng mục: Thi công cọc khoan nhồi, móng…), trường hợp đặc biệt có các nhà thầu thi công đã giải thể… Vì vậy, Thông tư 04 quy định chủ đầu tư tập hợp đầy đủ các biên bản nghiệm thu từng phần công trình, bộ phận công trình hoặc gói thầu đã ký vào hồ sơ hoàn thành công trình và lập báo cáo về công tác nghiệm thu hoàn thành trong đó nêu rõ thời điểm và cam kết về chất lượng nghiệm thu từng phần công trình, bộ phận công trình hoặc gói thầu xây dựng.
Đối với việc kiểm tra công tác nghiệm thu trong thi công xây dựng, Thông tư 04 bổ sung các nội dung kiểm tra của cơ quan chuyên môn về xây dựng trong kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư gồm: Kiểm tra hiện trạng chất lượng thi công xây dựng công trình theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt; Kiểm tra sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng CTXD của chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan; Kiểm tra các điều kiện để nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, CTXD.
Về hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng trong thực tế còn nhiều tồn tại như việc lập kế hoạch thí nghiệm theo quy định của Khoản 3, Điều 25, Nghị định 46/2015/NĐ-CP chưa được các nhà thầu thực hiện do chưa có quy định rõ ràng; Việc kiểm tra điều kiện năng lực của các phòng thí nghiệm, nội dung kết quả thí nghiệm, quy trình lấy mẫu, thực hiện thí nghiệm, giám sát và đánh giá kết quả thí nghiệm chưa được quy định rõ ràng dẫn tới các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng thực hiện không thống nhất và tuy tiện. Vì vậy, Thông tư 04 bổ sung các quy định về vấn đề này nhằm tăng cường quản lý hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
Quan trắc công trình trong quá trình thi công là hoạt động đo đạc các chuyển vị, biến dạng của cấu kiện, kết cấu công trình… để làm cơ sở xem xét, đánh giá khả năng chịu lực của các cấu kiện trong quá trình thi công so với các yêu cầu của thiết kế, các quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình.
Do vậy, Thông tư 04 đã bổ sung các quy định về quan trắc trong quá trình thi công xây dựng để tăng cường quản lý hoạt động này nhằm phát hiện, cảnh báo các nguy hiểm (nếu có) để có biện pháp khắc phục kịp thời đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình thi công.
Để lại bình luận của bạn